Bùi Trân Phượng
Nhà nghiên cứu, nhà quản lý giáo dục
Tiến sĩ Bùi Trân Phượng là nhà nghiên cứu sử học, nhà quản lý giáo dục với những đóng góp to lớn trong việc đổi mới giáo dục Đại học và Cao đẳng tại Việt Nam. Nữ nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen từng được vinh danh là một trong 20 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam do Forbes Việt Nam bình chọn vào năm 2016. Đối với bà, việc nghiên cứu là niềm đam mê, được nuôi dưỡng bằng sự trải nghiệm cá nhân. Còn về việc học, bà quan niệm: “Biển học là vô hạn, nhân sinh nhiều khác biệt, tri thức bất biến là tri thức chết”. Vì vậy, nữ tiến sĩ không ngừng đặt ra cho bản thân những yêu cầu cao hơn về sự chặt chẽ trong tư duy, sự công phu trong sưu tầm, khảo cứu và luôn tìm tòi, lý giải những cái mới. Nhờ đó, những công trình nghiên cứu của TS. Bùi Trân Phượng luôn được các nhà khoa học quốc tế đánh giá là có cái mới về tri thức cũng như phương pháp.
Đỗ Bích Thúy
Nhà văn, nhà biên kịch
Thượng tá Đỗ Bích Thúy là một nhà văn, biên kịch với bề dày kinh nghiệm sáng tác trong nhiều lĩnh vực. Cô đã cho ra đời 23 cuốn sách, trong đó có 6 cuốn tiểu thuyết, còn lại là truyện ngắn, truyện vừa, tản văn, bên cạnh đó là kịch bản phim điện ảnh và truyền hình. Những trang viết của cô gây ấn tượng mạnh với công chúng bằng sự phác họa thiên nhiên, con người miền sơn cước cũng như các tập tục, phong tục của quê hương. Hơn hết, giọng văn Đỗ Bích Thúy đã gắn liền với sự thể hiện khát vọng hạnh phúc, những suy nghĩ cháy bỏng về cuộc đời, nhận thức về thời hiện diện một cách độc đáo và đáng nhớ. Suốt 20 năm cầm bút, cô luôn giữ “lửa” nghề với kim chỉ nam: “Tôi luôn làm việc hết mình, tôi là người lạc quan, tôi kiên định và không từ bỏ, tôi thích sống một cách say mê.”
Hoàng Đức Long
Dịch giả, Giáo viên
Anh Hoàng Đức Long là một dịch giả với hơn 20 đầu sách được xuất bản bởi Nhã Nam và các nhà xuất bản khác, giáo viên và người sáng lập của W.Rite Now: Critical Writing Class - lớp học viết tiếng Anh sử dụng tư duy phân tích và tư duy phản biện. Anh cũng đã hoàn thành chương trình thạc sĩ về Environmental Design ở University of Nottingham, Anh. Là một người có quan điểm mang tính chuyên sâu về những vấn đề về nhân sinh và xã hội, hứa hẹn anh Long sẽ mang tới sân khấu TEDxULIS 2023 một ý tưởng quen thuộc nhưng từ góc nhìn đầy mới lạ và sâu sắc, cùng những phân tích mang tính chất phản tư cao.
Lữ Mai
Nhà văn, nhà thơ, nhà báo
Lữ Mai (tên đầy đủ là Lữ Thị Mai) là một nhà thơ, nhà văn trẻ, nổi tiếng với nhiều tập thơ, tản văn, truyện ngắn. Không chỉ là một cây bút nghiêm túc, chuyên nghiệp trong nghề viết, cô còn ghi dấu ấn của con chữ mình như một cái “tôi” nhạy cảm, cá tính, tinh tế và đầy chất riêng. Hơn hết, thơ văn Lữ Mai là sự chiêm nghiệm trước thời cuộc và sự chảy trôi của cuộc đời để truyền tải tới độc giả. Trong suốt hành trình sáng tạo nghệ thuật, cô luôn quan niệm: "Những người cầm bút chân chính đều ý thức được sứ mệnh của mình dù họ có thể lựa chọn cách thức thể hiện khác nhau".
Ngô Thị Thúy Hường
Nhà nghiên cứu, Giảng viên
Tiến sĩ Ngô Thị Thúy Hường hiện là giảng viên và trưởng nhóm nghiên cứu Hóa môi trường và Độc học sinh thái tại Trường Đại học Phenikaa. Cô chủ trì và đồng chủ trì nhiều dự án trong nước và quốc tế (của bộ Tài nguyên và Môi trường, USAID, Hitachi…) về các vấn đề môi trường và xử lý ô nhiễm. Cô cùng các cộng sự tại trường ĐH Phenikaa đã thành công thực hiện dự án nghiên cứu giải pháp ứng dụng cỏ Vetiver trong phục hồi đất ô nhiễm dioxin và đã xuất sắc đạt giải thưởng King of Thailand Vetiver 2023 ở hạng mục Ứng dụng phi nông nghiệp. Với ý niệm “Nghiên cứu cần phải có tính ứng dụng cao để giúp ích cho con người”, cô Hường đã trải qua nhiều năm nghiên cứu sâu về môi trường và độc học, cụ thể là cơ chế tác động của chất độc đối với sinh vật, sự lan truyền qua chuỗi thức ăn và những hệ quả tới sức khỏe con người.